top of page

Những ngộ nhận và 5 bài học cho nhà lãnh đạo cấp trung

Có hai điều hiển nhiên luôn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, dù đang ở bất kỳ đám đông nào hay đang làm việc trong bất kỳ công ty nào hoặc đang hoạt động trong bất kỳ tổ chức nào là:


Càng thành công, bạn bị vấn đề về vai trò và vị trí ám ảnh càng lớn.

Hoặc

Càng thất bại, bạn càng bị dằn vặt về vai trò cũng như vị trí của mình càng nhiều.


Nếu bạn đang rơi vào tình trạng trên, vài ghi chú tổng hợp hữu ích sau đây sẽ giúp bạn nhanh định thần và chóng xác định lại được phương hướng, để mau tiến tới sự hoàn thiện cũng như thành công trong vai trò lãnh đạo hơn.



1. Bài học về kinh nghiệm


Bạn đang là một nhân viên bình thường, một lãnh đạo bậc trung bình thường, rất có nhiều khi bạn tự nhận định rằng “ nếu mình là sếp, chắc chắn mình đã giải quyết vấn đề đó hiệu quả hơn”. Hay khi bạn đang là một trưởng phòng, một trưởng nhóm, bạn lại cho rằng “ nếu mình là giám đốc, mình đã xử lý việc đó tốt hơn như thế”. Tuy nhiên, một thực tế chứng minh ngược lại, khi bạn trở thành lãnh đạo đội nhóm, phòng, ban hay khi bạn là giám đốc, những kết quả bạn dành được không khác gì nhiều so với cấp trên của mình hay giám đốc của mình đã từng làm, ít nhất là ở một giai đoạn nào đấy. Và bạn chỉ cải thiện được điều đó khi đã trải qua sự việc, hoặc đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình sau không ít lần vã mồ hôi, sôi máu và nước mắt…


Trong nhiều sách và tài liệu hay các bài học về kỹ năng lãnh đạo, ít nhất là hơn một lần bạn sẽ được nghe nhắc tới nhân vật Carly Fiorina của Mỹ. Bà từng là một nhà giám đốc điều hành được đánh giá là quyền lực nhất trong tài chính kinh tế của đất nước này vào những năm 1999 đến 2004. Tuy nhiên, bà cũng từng phải đối mặt với thất bại nặng nề khi dự án sát nhập Compaq vào HP sau 2 năm không hiệu quả. Bài học thực tế này là một sự nhắc nhở mang tính điển hình cho bất cứ ai đang ở vai trò lãnh đạo, hay đang tiến thân để đạt mục tiêu này. Khoan hãy nói về việc, bạn sẽ xử lý tốt hơn sếp của mình, bởi ngay cả khi sếp bạn là người nhiều kinh nghiệm vẫn còn phải học hỏi thêm và trải nghiệm nhiều hơn để đảm bảo việc lãnh đạo của bản thân được hoàn thiện. Vì vậy, bạn cần phải nhớ rằng, không nên “giả sử..” hay “nếu như tôi là sếp…”, hãy luôn tâm niệm bất cứ ai cũng phải biết mình có kinh nghiệm gì, như thế nào và cần học hỏi thêm những gì. Điều này thực sự rất quan trọng, nó góp phần không nhỏ giúp bạn thành công trong vai trò lãnh đạo không chỉ ở bậc trung.


2. Bài học về chức vị


Chức vị rất quan trọng với mọi người, vì hầu như ai cũng cho rằng một chức vị tốt, sẽ giúp họ lãnh đạo thành công. Thực tế điều này không luôn luôn đúng, bởi bạn phấn đấu để trở thành một lãnh đạo thì thành công, nhưng đến khi lãnh đạo thực sự thì lại thất bại trong chính vai trò đó.


Giải pháp cho thực tế này là gì? Có câu nói “ Vai trò lãnh đạo là do bạn lựa chọn, chứ không do vị trí bạn đang ngồi.” Điều này nhấn mạnh rằng, bạn có tầm ảnh hưởng như thế nào đến những người mà mình lãnh đạo họ, quan trọng hơn việc đang nắm chức vị gì. Vị trí không mang lại cho bạn tầm ảnh hưởng như bạn tưởng, nhưng tầm ảnh hưởng có thể mang lại hiệu quả mà bạn không ngờ đến. Việc đó giúp bạn củng cố vị trí, thậm chí là thay đổi vị trí mà bạn đang nắm giữ trong tương lai. Tuy nhiên làm thế nào để có tầm ảnh hưởng, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc nhân viên cấp dưới có thích làm việc với bạn không, họ có quý trọng bạn không và có thực tâm chịu sự lãnh đạo của bạn hay không. Nếu không, thì bạn hãy xem chừng để cải thiện lại tình hình nhé. Đấy là việc gấp rút mà bạn cần phải bắt tay vào làm ngay, thay vì trăn trở “lý ra mình ở vị trí này, mình bảo, thì bọn họ (cấp dưới) phải nghe mình chứ”.


Hãy nhớ rằng, đôi khi tầm ảnh hưởng của bạn trong công ty và trong đám đông, sẽ làm tăng tiếng nói của bạn, nâng cao uy tín của bạn, cũng như nó khiến người khác nghe bạn nhiều hơn là bởi vị trí mà bạn đang đảm trách.


3. Bài học về mục tiêu


Đây là bài học kinh điển mà không có một cuộc thảo luận, hay bài học về kỹ năng lãnh đạo nào không đề cập tới. Có thể, bạn đã và đang phấn đấu để trở thành một lãnh đạo, song bạn có tập trung vào việc, làm thế nào để lãnh đạo thành công, hay chỉ cố gắng nỗ lực lên làm lãnh đạo đã, rồi sẽ biết cách lãnh đạo sau. Thực tế cho thấy là, đa phần các lãnh đạo bậc trung được giao quyền, giao chức vị khi họ làm việc chuyên môn tốt. Họ được đề bạt vì chuyên môn trước hết, chứ không phải cấp trên nhìn thấy họ có khả năng lãnh đạo đội nhóm mà trao quyền. Vì thế, không ít người cứ loay hoay mãi, trăn trở mãi làm thế nào để quản lý đám nhân viên dưới mình hiệu quả. Họ mãi phải đương đầu một bài toán cộng, gồm việc chịu áp đặt về chỉ tiêu công việc chuyên môn cho bản thân và đối phó với nhân viên dưới quyền (đối phó chứ không phải chỉ huy, cộng tác). Không ít lần họ phải vã mồ hôi vì bài toán quản lý lãnh đạo của mình, kèm theo là việc ôm đồm cả mớ việc chuyên môn lỉnh kỉnh, mà lý ra một người quản lý cấp trung lãnh đạo tốt, không phải vất vả như vậy.


Vì thế, cho dù là bạn có mong muốn hay phấn đấu trở thành một lãnh đạo cấp trung, hãy kèm theo công việc chuyên môn là những kỹ năng và bài học cần thiết về cách lãnh đạo nhân viên dưới quyền như thế nào. Điều này giúp bảo đảm cho bạn, khi chạm tay hay điều hành công việc, cũng như đảm đương trách nhiệm ở thực tế, bạn không phải đối mặt với việc thất bại trong vai trò lãnh đạo mà mình có được.


4. Bài học về tầm ảnh hưởng


Nếu bạn đang là quản lý bậc trung, thì có lẽ, bên cạnh việc phấn đấu cho hiệu quả công việc chuyên môn, để có thể hướng đến vị trí cao hơn hoặc thăng tiến thêm, bạn còn phải quan tâm rất nhiều đến việc, mình ảnh hưởng thế nào đến tình hình chung của công ty, phòng ban và nhân viên cấp dưới.


Không chỉ nỗ lực để bản thân thành công, mà còn phải luôn ghi nhớ, trong thành công của bản thân cũng rất nhiều phần trăm nhờ đến thành công của nhân viên cấp dưới nữa. Vậy nên, thay vì tập trung chuyên môn công việc của mình quá nhiều, hay đối phó với nhân viên cấp dưới bằng quyền kiểm soát mà vị trí mang lại, hãy hết mình giúp cho nhân viên cấp dưới thành công trong vai trò của họ, thì chắc chắn tầm ảnh hưởng của bạn đến mọi khía cạnh sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Tầm ảnh hưởng này luôn là nền tảng chắc chắn để củng cố cho vị trí của bạn.


5. Bài học về khả năng


Trong thời gian gần đây, trên kênh truyền hình Star World có phát sóng bộ phim khá nổi tiếng Scandal của Mỹ. Bộ phim xoay quanh chủ đề chính trị, những hoạt động diễn ra bên trong và quanh Nhà Trắng, tình tiết khá gay cấn và hấp dẫn. Bộ phim được rất đông đảo khán giả yêu mến theo dõi và không bỏ sót một tình tiết nào, bởi điều thú vị thể hiện trong phim, không phải tập trung ở nhân vật lãnh đạo cấp cao là tổng thống, mà lại xoáy sâu vai trò của những người bên cạnh ông – những người lãnh đạo bậc trung.


Có thể đây là một ví dụ không chính thống về bài học khả năng trong lãnh đạo, xong nó có thể là một cách nhìn khác về vai trò lãnh đạo cấp trung ít nhiều từ thực tế, được truyền tải lên phim. Từ xưa đến nay, người ta thích và thường xuyên đề cập đến vai trò của những người lãnh đạo cấp cao, còn lãnh đạo bậc trung chỉ là những cái bóng mờ nhạt, ít khi được xướng danh. Trong khi, sự thành công của một lãnh đạo cấp cao, nhất thiết phải nhờ đến sự hiện diện của các lãnh đạo bậc trung. Có điều, cũng như việc không được xướng danh, nhiều người luôn không hài lòng về vị trí bậc trung của mình, mà luôn muốn phải là vị trí cao hơn thì mới xứng, hoặc phải là lãnh đạo cấp cao thì mình mới phát huy hết khả năng mà mình cho rằng, bản thân mình đang sở hữu mà chưa khai thác hết.


Tâm lý như trên rất phổ biến, nhưng ít ai chịu nhìn nhận rằng, khả năng phù hợp sẽ mang lại thành công lớn lao hơn, chứ không phải ở vị trí cao nhất, mình mới phát huy được hết khả năng. Nếu bạn đang đảm trách vị trí lãnh đạo bậc trung, thì trước hết, phải hiểu khả năng mình có gì và thực hiện vai trò lãnh đạo bậc trung trong khả năng tối đa mình, rồi sau đó hãy nghĩ đến vai trò lãnh đạo cao hơn. Bởi nếu bạn lãnh đạo ở bậc trung không thành công, thì hẳn nhiên, bạn không thể bảo đảm đủ khả năng để thành công ở vai trò cao hơn.

4 views0 comments

Comments


bottom of page