Một khi nhân viên đã quyết định chuyển sang một công việc khác, gần như không có cách nào có thể thay đổi ý kiến của họ - do vậy cũng đừng cố gắng giữ chân họ bằng tiền nếu họ thực sự muốn ra đi.
Là một chủ doanh nghiệp, là một người quản lý, bạn luôn cần có phương án dự phòng cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Một trong những trường hợp dự phòng bạn cần tính đến là việc nhân viên "bỗng dưng" xin nghỉ việc.
Nếu một ngày hàng loạt nhân viên quan trọng trong công ty muốn nghỉ việc. Không chỉ thế, họ còn có ý định sử dụng việc đó như là một vũ khí đe doạ chủ doanh nghiệp. Lúc đó, bạn phải làm sao?
Thực tế cho thấy việc nhân viên nghỉ việc chủ yếu do các nguyên nhân: Nghỉ việc do thiếu cơ hội thăng tiến, nghỉ việc do bất hòa với người quản lý, hay nghỉ việc do bị đối thủ dụ dỗ, lôi kéo, hoặc đơn giản là nghỉ việc do mùa vụ. Là người quản trị giỏi, bạn luôn đặt ra cho mình các phương án giả định cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Khi nhân viên nghỉ việc do thiếu cơ hội thăng tiến
Đôi lúc bạn có thể rơi vào một cái vòng luẩn quẩn của việc tuyển dụng. Đó là khi nhân viên đã khẳng định được năng lực của mình họ lại quyết định ra đi vì không còn thấy triển vọng phát triển xa hơn trong công ty.
Là nhà quản lý, trước hết bạn cần ứng xử bình tĩnh. Bạn không cần tỏ thái độ lo lắng hay cáu giận trước mặt nhân viên, dù bạn đang thực sự lo về việc tuyển dụng người mới.
Có rất nhiều yếu tố khiến một nhân viên "bỗng dưng" nghỉ việc như lương thưởng, cách quản lý, áp lực, môi trường làm việc. Hãy điều tra lý do trước khi chấp nhận đơn nghỉ việc hay thuyết phục nhân viên đó ở lại. Nếu như việc một nhân viên xuất sắc ra đi ảnh hưởng rất lớn cho doanh nghiệp, bạn cần xem xét tìm hiểu lý do và tìm cách ngăn chặn điều đó lặp lại một lần nữa.
Một khi nhân viên đã quyết định chuyển sang một công việc khác, gần như không có cách nào có thể thay đổi ý kiến của họ - do vậy cũng đừng cố gắng giữ chân họ bằng tiền nếu họ thực sự muốn ra đi.
Nhiều lúc tăng lương chỉ là biện pháp tức thời khi bạn chưa tuyển dụng được người mới thay thế, tuy nhiên một vài người sẽ lợi dụng sự thiết tha của bạn để yêu sách này nọ. Rất nhiều nhân viên chọn quyết định ở lại vì được tăng lương nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ vẫn không hài lòng với công việc, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến công việc và những nhân viên khác.
Hơn nữa, để ngăn chặn triệt để vấn đề xảy ra tương tự, là nhà quản lý bạn cần lắng nghe, tạo động lực làm việc và phát triển cho nhân viên. Bạn là người quản lý, bạn là người ra quyết định chứ không cần nhúng tay vào mọi việc. Bạn tuyển dụng người về để làm cho bạn, chứ không phải để bạn chỉ cho người đó chi tiết từng việc để làm. Hãy cho nhân viên cơ hội được thể hiện năng lực của mình.
“Tháo chạy” hàng loạt
Đây là tình huống xấu nhất cho một doanh nghiệp. Một số lượng lớn nhân viên quyết định nghỉ việc cùng một lúc vì nhiều lý do như không hòa hợp với một người quản lý mới, bất đồng về lương bổng với công đoàn, hoặc nghe thấy tin tức về những khó khăn tài chính tiềm ẩn trong ngành.
Nhân viên nghỉ việc hàng loạt luôn có ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp. Để thay thế, trong thời gian ngắn chắc chắn bạn không thể tuyển dụng lại được đủ người có kinh nghiệm và trình độ tương đương. Do vậy, điều đầu tiên là bạn cần bình tĩnh đối thoại với nhân viên của mình để tìm nguyên nhân và hướng xử lý.
Nếu nguyên nhân từ việc bất bình với người quản lý, bạn cần tìm hiểu rõ những bất bình đó từ đâu ra, lỗi phải, lý lẽ thuộc về ai để tìm hướng giải quyết. Có đôi khi, bất bình xảy ra chỉ vì người quản lý trực tiếp không hiểu nhân viên và ngược lại – điều này rất dễ giải quyết.
Có đôi khi, bất bình do cách quản lý của công ty, và chính người quản lý trực tiếp lại quá cứng nhắc trong việc thực hiện – điều này cũng không quá khó giải quyết.
Trường hợp xấu nhất, nhân viên của bạn nghỉ việc vì bị đối thủ cạnh tranh dụ dỗ. Trong trường hợp này, trước hết bạn cần kéo dài thời gian điều đình để công việc vẫn diễn ra suôn sẻ. Trong lúc đó, hãy âm thầm tuyển dụng lớp nhân viên mới kế cận.
Các bước bạn phải làm cũng không khó. Cần chuẩn bị lên kế hoạch giảm ảnh hưởng của việc nghỉ việc đó tới công ty - Bước thực hiện này cần tuyệt đối bí mật.
Đặc biệt, bạn cần kiểm soát khách hàng người đó thường xuyên làm việc - đây là biện pháp cần thiết. Bạn cần sử dụng những biện pháp gián tiếp, như yêu cầu toàn bộ nhân viên kinh doanh nộp lại danh sách khách hàng thường xuyên làm việc - như một biện pháp thống kê hoạt động kinh doanh để tăng lương.
Trong lúc đó, bạn cũng cần tăng cường việc giao tiếp với nhân viên: Không có gì làm người ta khó chịu hơn một bầu không khí khép kín trong doanh nghiệp. Vì thế, hãy cởi mở với nhân viên của bạn, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp và chỉ cho họ thấy họ phù hợp với mục tiêu tổng thể như thế nào. Đồng thời, cũng cần kiểm soát số lượng nhân viên cấp dưới có thể bị ảnh hưởng.
Một khi bạn đủ thời gian chuẩn bị và tuyển dụng người mới, hãy gặp từng nhân viên xin nghỉ việc, lắng nghe họ nói về những lý do dẫn đến việc xin nghỉ việc. Đó cũng là một trong những kinh nghiệm để công ty bạn tránh được những tình huống tương tự lần sau.
Trong quản trị doanh nghiệp, ngoài khái niệm phỏng vấn khi tuyển dụng, còn có thêm khái niệm "phỏng vấn thôi việc" - đây là công việc cho phép Lãnh đạo và Cán bộ Nhân sự có một bức tranh tổng thể về lý do thôi việc để có các chính sách hợp lý. Chẳng hạn, các vị trí key person hay các vị trí thường có nhân viên nghỉ phải luôn có người back-up; linh hoạt trong quản lý và sử dụng người tài.
Hãy ghi nhớ rằng trong tất cả những lựa chọn, sự lựa chọn có lợi cho doanh nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu. Không có người đó, công việc công ty có thể chậm lại 1 ngày, 1 tuần hay thậm chí 1 tháng, nhưng doanh nghiệp luôn có thể phục hồi, miễn là người lãnh đạo có ý chí.
Một nguyên tắc nữa bạn cần nhớ, là dù cần giảm thiểu tối đa số người nghỉ việc, nhưng chắc chắn bạn “Chỉ giữ người muốn ở lại, không giữ người muốn ra đi”.
Comments