top of page

Bánh xe cuộc đời



Chúng ta thường nghe đến hai chữ THÀNH CÔNG như một mục tiêu của rất nhiều người. Thành công trở thành một mục tiêu, một mong ước, một chủ đề người ta bàn nhiều để đat được. Nếu search Google, có đến 485.000.000 kết quả hiển thị cho từ khoá “thành công”, đủ để biết người ta đã bàn về nó nhiều đến mức như thế nào!

Theo bạn, thành công là gì? Thành công với bạn có phải là sự giàu có, địa vị, nổi tiếng…? Mỗi người đều có một định nghĩa khác nhau về thành công. Còn thất bại- từ trái ngược với thành công thì có lẽ dễ định nghĩa hơn. Thất bại có nghĩa là không đạt được mục tiêu của bản thân mình!

Bởi thành công có thật nhiều định nghĩa cho mọi người; nhưng một sự thật là mọi người thường nhầm lẫn thành công với những gì họ muốn, nhầm lẫn thành công với các giá trị sống, nhầm lẫn giữa thành công và hạnh phúc. Tôi có gặp rất nhiều bạn trẻ khát khao thành công, đó là những người thật đáng tuyên dương. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ về sự khác nhau giữa thành công và các giá trị sống, nên khi không đạt được mục tiêu, họ rất dễ thất vọng chán nản, rất khó để vượt qua được những khó khăn và thất bại trước mắt. Nếu bạn có vẻ đang thành công, nhưng vẫn thiếu một cái gì đó, hoặc bạn đang chán nản vì không đạt được mục tiêu của mình, tôi đưa cho bạn một công cụ để đánh giá lại những gì các bạn đang có và cần có. Chúng tôi gọi nó là “Bánh xe cuộc đời”.

Có khi nào bạn suy nghĩ cuộc đời bạn như bạn như một chiếc bánh xe chưa? Nó sẽ tròn hay méo là chính do bạn tạo nên nó. Bạn không tin ư? Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy bánh xe cuộc đời chính là những khía cạnh của cuộc sống mà đôi khi chính bạn không nhận ra điều đó.

Bánh xe cuộc đời chỉ cho bạn đánh giá được 8 giá trị cốt lõi của cuộc sống: 1. Sức khoẻ: “Có sức khoẻ thì ta có hàng triệu ước mơ, nhưng khi không có sức khoẻ, ta chỉ có một ước mơ, đó là sức khoẻ”. Vậy, sức khoẻ hiện tại của bạn đang như thế nào? Bạn có tập thể dục và có chế độ ăn uống hợp lý, bạn có đi khám sức khoẻ theo định kỳ? Hay bạn vẫn chủ quan, để rồi như nhiều người Việt hiện tại: Tuổi trẻ thì dùng sức khoẻ để kiếm tiền, về già rồi lại dùng tiền đi mua sức khoẻ?

. 2. Giàu có

Giàu có theo mỗi người là một mức khác nhau. Nhưng có một mức để các bạn có thể hài lòng – đó là khi bạn được tự do về tài chính. Bạn được tự do về tài chính nghĩa là bạn có một mức thu nhập thụ động đủ để trang trải các chi phí cho cuộc sống; kể cả khi bạn không làm việc nữa. Vậy, giàu có có thể là phải có triệu đô, tỷ đô; nhưng tự do về tài chính thì chưa chắc đã cần như vậy. Nếu bạn có một nguồn thu nhập thụ động (từ đầu tư, từ tiền gửi ngân hàng, từ một nguồn tài trợ…) và biết cách chi tiêu hợp lý thì sẽ không phải “đau đầu” vì tiền nữa, phải không nào?

Nhiều người trong số chúng ta đã chi tiêu phần lớn thu nhập của mình và đầu tư phần còn lại. Còn người giàu thì khác, họ sẽ đầu tư một mức nào đó trong thu nhập và chi tiêu phần còn lại, bạn nhận ra sự khác nhau chứ? Chỉ có đầu tư mới đem lại cho chúng ta nguồn thu nhập thụ động. 3. Gia đình, bạn bè

Bạn có thấy nhiều người thành công nhưng cô đơn, không hạnh phúc? Hơn ai hết, người Việt chúng ta hiểu rõ những giá trị của gia đình.

Ai cũng biết rằng, sau tất cả, những người thân trong gia đình sẽ là những người luôn sát cánh, động viên, yêu thương mình nhất. Nhiều người tuổi trẻ quên đi những giá trị này, nhưng càng nhiều tuổi hơn một chút, bạn càng thấm thía những giá trị của gia đình. Vậy đừng vì bất cứ lý do gì để đánh đổi hạnh phúc gia đình bạn nhé!

4. Được làm những gì bạn thích

Tự do làm những gì bạn thích như đi du lịch, đi khám phá thế giới, đọc sách… cũng là một giá trị thật đáng quý. Khi làm những gì mình thích, thì đó là một niềm hạnh phúc, làm việc sẽ như không làm việc, phải không nào? Và cũng chỉ khi làm những gì bạn thích, bạn mới thành công như mong đợi được. Vậy điều này có khó để đạt được không?

Giả dụ, bạn thích đi giao du, chia sẻ nói chuyện với người khác; nhưng bạn lại đang bận rộn với công việc của mình, với mối lo cơm áo gạo tiền? Thực tế thì Oprah Winfrey cũng kiếm sống bằng cách đi chơi và nói chuyện với mọi người, hay những người hướng dẫn viên du lịch cũng vậy. Vì thế, bạn nên liệt kê những việc bạn thích làm và sau đó nghĩ xem, bạn có cách nào để kiếm sống dựa trên vài công việc đó hay không.

5. Các mối quan hệ

Các mối quan hệ hiện nay của bạn như thế nào? Bạn có những mối quan hệ sâu sắc hay hời hợt? Bạn đã biết chăm sóc các mối quan hệ của mình chưa?

Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết được vai trò to lớn của các mối quan hệ. Chúng ta khó có thể thành công một mình. Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ, từ gia đình, bạn bè đến công việc, đối tác, thậm chí cả đối thủ của chúng ta. Chúng ta phải cân bằng các mối quan hệ của mình. Nếu bạn chưa hài lòng với các mối quan hệ, thấy nó “nghèo quá” thì hãy chăm sóc nó: Chủ động tạo mối quan hệ, hãy cho đi thật nhiều sự sẻ chia, sự nhiệt tình và những gì hữu ích của con người bạn! 6. Nghề nghiệp, sự công nhận

Đối với hầu hết mọi người, thành công trong công việc, giành được sự ghi nhận từ những người xung quanh… là một tiêu chí rất quan trọng. Muốn làm ông chủ thì trước hết phải làm công, muốn thành đạt thì phải trải qua những khó khăn, vất vả và không ngừng học hỏi. Các bạn đừng đợi đến khi có một nghề nghiệp có thu nhập cao, chức vụ quan trọng… thì bạn mới hài lòng, còn chưa đạt đến đó thì chúng ta lo lắng. Bạn hãy lập cho mình một lộ trình phát triển sự nghiệp, và đầu tư thời gian, công sức, tiền của để thực hiện nó. Hạnh phúc là trên cả chặng đường đi, chứ hạnh phúc không chỉ là đích đến!

Một khía cạnh khác, có những người có vẻ may mắn sở hữu những tài sản khổng lồ, được những người bên cạnh bao bọc che chở… và tưởng chừng như chẳng cần đến công việc nào cả, họ không cần phải làm việc. Bạn có muốn trở thành những người như vậy không? Theo tôi thì không! Làm việc giúp chúng ta phát triển tư duy, giúp chúng ta thấy mình hữu ích, giúp chúng ta có những mối quan hệ và những cơ hội cọ xát, học hỏi. Nếu không có công việc, chúng ta làm gì rồi cũng sẽ chán, và sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ, lo lắng những điều không đáng có.

7. Làm chủ cuộc sống, tự do về thời gian

Bạn có một công việc tốt, thu nhập cao, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Vì vậy bạn chẳng có thời gian giành cho bản thân mình, bạn chẳng có thời gian giành cho gia đình hay làm những gì bạn thích? Có rất nhiều người rơi vào tình trạng này. Họ không làm chủ được cuộc sống của họ. Nếu bạn cũng như thế, đừng có đổ lỗi cho công việc, cho hoàn cảnh, bởi tất cả là do bạn quyết định mà. Mỗi con người ở một chặng đường khác nhau, chúng ta có những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể làm chủ cuộc sống và làm chủ thời gian nếu tuân theo các nguyên tắc về quản lý thời gian. Bạn có thể tham khảo cách quản lý thời gian trên website tôi đã đăng: Quản lý thời gian hiệu quả 8. Sự đóng góp, tâm linh.

Mỗi người trên thế giới, họ theo một đạo khác nhau, hoặc có người không theo đạo nào; nhưng đối với họ, luôn có một thế giới tâm linh, luôn có một bề trên nào đó. Tìm đến thế giới tâm linh, tìm đến đạo là một hoạt động tích cực, giúp con người có niềm tin, có thể giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, giúp con người hướng thiện. Dù bạn không tin vào một thế lực siêu nhiên nào, bạn cũng nên tìm cho mình một đấng ơn trên để có thể thốt lên khi gặp những điều gì to lớn, ví dụ “Trời ơi”.

Trong tháp nhu cầu của Maslow, thì nhu cầu hoàn thiện bản thân mình là nhu cầu cao nhất của con người. Người ta đã thỏa mãn các nhu cầu từ vật chất, tinh thần, được giao tiếp, được tôn trọng… thì người ta sẽ muốn được làm những điều gì đó có ích. Khi làm một việc tốt, chúng ta sẽ vui sướng hai lần: Một lần là khi chúng ta làm những việc đó, một lần là khi chúng ta nhìn thấy kết quả. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể giúp đỡ, chia sẻ cho những người khác. Đừng quên “cho đi” bạn nhé, đừng nghĩ rằng khi bạn thành đạt, có những thứ bạn muốn thì bạn mới có thể cho đi.

Trên đây là tám giá trị cốt lõi của cuộc sống, giúp bạn đánh giá cuộc đời của mình. Chúng ta hãy cho thang điểm tối đa của mỗi khía cạnh là 10. Bạn hãy xem thử bạn đạt được bao nhiêu điểm ở mỗi khía cạnh nhé!

Ta sẽ nhận ra rằng người này có một gia đình rất hạnh phúc, bạn bè, người thân đều rất tốt tuy nhiên về tiền bạc và nghề nghiệp rất là trắc trở, không thuận lợi. Bạn có biết rằng các khía cạnh này liên quan mật thiết với nhau. Khi một khía cạnh không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh còn lại.

Để cho bánh xe cuộc đời của bạn chạy trơn chu và nhanh bạn cần phải mở rộng bánh xe càng lớn càng tốt. Và người có thể thay đổi chính bánh xe cuộc đời của bạn không ai khác ngoài bạn. Khi bạn cảm thấy có gì bất ổn trong cuộc sống hãy dừng lại và xem thử bánh xe của bạn như thế nào?

Chúc các bạn có bánh xe cuộc đời ngày càng tròn trịa, mở rộng và lăn thật nhanh!

44 views0 comments

Comentários


bottom of page